1. Tính chất quy hoạch mô hình và không gian phát triển TPHCM
- Là vùng đô thị lớn có tỷ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt, vùng phát triển kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; có vai trò vị thế chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế.
- Là trung tâm giao thương quốc tế của vùng Nam Bộ và cả nước, đầu mối liên kết các vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
- Là trung tâm công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ chất lượng cao tầm quốc gia và khu vực; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch rừng cảnh quan tầm quốc gia.
- Là trung tâm văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của quốc gia và khu vực; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh của vùng Nam Bộ và cả nước.
- Là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
2. Mô hình phát triển và cấu trúc không gian quy hoạch mô hình và không gian phát triển TPHCM:
Mô hình phát triển:
Phát triển vùng Thành phố Hồ Chí Minh với mô hình tập trung - đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cụ thể:
- Phát triển các đô thị nén, hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
- Xây dựng và phát triển các cực tăng trưởng tại các vùng có nền địa hình cao trên các trục hành lang kinh tế trọng điểm và ở khu vực ngoại vi.
- Tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng.
- Duy trì và bảo vệ các vùng sinh thái, cảnh quan tự nhiên đặc trưng, nguồn nước và các hành lang xanh trong vùng.
Cấu trúc không gian vùng:
Vùng Thành phố Hồ Chí Minh được phân ra thành các tiểu vùng và trục hành lang phát triển kinh tế như sau:
- Các tiểu vùng:
+ Tiểu vùng đô thị trung tâm: Bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
+ Tiểu vùng phía Đông: Bao gồm các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
+ Tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc: Bao gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương.
+ Tiểu vùng phía Tây Nam: Bao gồm các tỉnh Tiền Giang và Long An. - Các trục hành lang kinh tế trọng điểm:
+ Trục hành lang phía Đông Nam dọc quốc lộ 51, gồm chuỗi các đô thị: Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu); trong đó, thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa là cực tăng trưởng.
+ Trục hành lang phía Đông dọc quốc lộ 1, gồm chuỗi các đô thị: Dầu Giây, Long Khánh, Gia Ray (Đồng Nai); trong đó đô thị Long Khánh là cực tăng trưởng.
+ Trục hành lang phía Bắc dọc quốc lộ 13, gồm chuỗi các đô thị: Bàu Bàng (Bình Dương), Chơn Thành, Bình Long, Hoa Lư - Lộc Ninh, Đồng Xoài (Bình Phước); trong đó đô thị Chơn Thành là cực tăng trưởng.
+ Trục hành lang phía Tây Bắc dọc quốc lộ 22, quốc lộ 22B, gồm chuỗi các đô thị Trảng Bàng, Phước Đông - Bời Lời, Gò Dầu, Mộc Bài - Bến Cầu, Hòa Thành, Tây Ninh, Tân Biên, Xa Mát (Tây Ninh); trong đó, các đô thị Trảng Bàng - Gò Dầu, thành phố Tây Ninh là cực tăng trưởng.
+ Trục hành lang phía Tây Nam dọc quốc lộ 1, gồm chuỗi các đô thị Bến Lức, Tân An (Long An), Mỹ Tho, Cai Lậy (Tiền Giang); trong đó, thành phố Tân An - thành phố Mỹ Tho là cực tăng trưởng.
- Các vùng cảnh quan và hành lang xanh:
+ Tổ chức các khu vực cảnh quan nằm giữa các trục hành lang kinh tế trọng điểm, tạo lập các hành lang xanh bao gồm: Phía Nam, phía Đông Nam, phía Đông Bắc, phía Tây Bắc và phía Tây Nam.
+ Vùng cảnh quan nông nghiệp bao gồm vùng cảnh quan sản xuất nông nghiệp chuyên canh ở phía Đông, phía Tây Bắc và phía Bắc, vùng cảnh nông nghiệp ngập nước thích ứng biến đổi khí hậu ở phía Tây Nam, vùng nông nghiệp đô thị ở tiểu vùng đô thị trung tâm, nông nghiệp công nghệ cao.
+ Vùng bảo tồn cảnh quan rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở phía Đông, phía Bắc; bảo tồn rừng ngập mặn Cần Giờ, vùng ngập nước Đồng Tháp Mười, vườn cây ăn trái dọc sông Tiền; bảo tồn cảnh quan dọc các sông, hồ lớn trong vùng.
Chia sẻ bài viết: